Đặc sắc những món ngon ngày Tết miền Nam
Ngày Tết Nguyên Đán ở mỗi vùng miền sẽ có những nét phong tục, văn hóa riêng. Nhưng điểm chung của các vùng miền là đều chuẩn bị một mâm cỗ với những món ngon ngày Tết. Nhiều món ăn hấp dẫn được bày trí bắt mắt, bao nhiêu tinh hoa ẩm thực hội tụ trong mâm cơm Tết những ngày sum vầy đầu năm.
Nếu Tết Hà Nội có thịt đông, Huế có thịt luộc tôm chua, vậy thì các tỉnh miền Nam không thể thiếu món gì? Hãy cùng GALE tìm hiểu về món ăn đặc trưng ngày Tết của người miền Nam trong bài viết sau đây nhé!
1. Bánh Tét
Bánh Chưng, Bánh Tét ba miền đều có, mỗi miền là một nét khác biệt riêng. Vào ngày Tết nguyên đán, nếu miền Bắc chuộng món bánh Chưng, có hình dáng vuông vức, miền Nam gọi tên bánh Tét với hình trụ dài, nguyên liệu về cơ bản là giống nhau. Miền Trung cầu nối giữa 2 miền, do đó cả 2 món bánh Tét và bánh Chưng đều phổ biến.
Bánh tét thường được gói với nếp, đậu xanh, không có hoặc có ít thịt để có thể ăn sau Tết. Người dân còn có thể dùng lá chuối thay cho lá dong. Điều đặc biệt của bánh Tét trong món ngon ngày Tết của người miền Nam là sự đa dạng của món bánh này. Bánh Tét có bánh Tét mặn, ngọt, chay.
2. Thịt kho nước dừa (thịt kho Tàu)
Mâm cỗ ngày Tết của người miền Nam rất phong phú và ít bị bó buộc bởi những nghi thức cổ truyền. Sự đa dạng trên mâm cỗ còn thể hiện sự phóng khoáng, hào sản của vùng đất và con người nơi đây.
Thịt kho tàu là một trong những món ăn không thể thiếu trên mâm cỗ ngày Tết của người miền Nam. Món ăn này thường được chế biến vào dịp Tết một phần vì sự tiện lợi, có thể làm sẵn và để được khá lâu và tiện khi dùng bữa.
3. Canh khổ qua
Món ngon ngày Tết trên mâm cỗ không chỉ dừng ở sự ngon miệng, mà còn là chất gắn kết tình cảm giữa những người thân trong gia đình. Điều đó có thể lý giải qua việc thức ăn được dùng chung trên mâm, người ăn tự gắp hoặc sẽ gắp thức ăn cho cha mẹ, ông bà và ngược lại. Thể hiện văn hóa cộng đồng, gia đình của người Việt Nam.
Theo quan niệm của người miền Nam, canh khổ qua là món ăn giúp xua đi những khổ cực của năm cũ, chào đón một năm mới tốt lành, thuận lợi. Canh khổ qua được chế miến đơn giản với khổ qua nguyên trái, làm sạch ruột, nhân thịt heo xay nhuyễn hoặc chả cá, nấm mèo để nấu lên sẽ dai và thanh ngọt nước dùng.
4. Củ cải ngâm nước mắm, củ kiệu tôm khô
Không phải hội tảo mộ, hái dưa hấu hay lặt lá mai, hình ảnh báo hiệu ngày Tết sớm nhất đối với người Việt, đặc biệt là người miền Nam, chính là những bó củ hành, củ kiệu, dưa cải được các bà, các mẹ mua về để ngâm, phơi, chế biến thành các món được gọi chung là dưa món.
Mấy ông miền Nam hay có cách nói vui là: “chỉ có ai ngồi tách từng lớp một cái vỏ mỏng dính của cái củ kiệu trắng tươi thì mới biết củ kiệu “ăn chua” là gì!”
Món củ kiệu, dưa hành đạt đến “đỉnh cao” công hiệu vào những ngày Tết khi nó giúp “giải ngán” hầu hết các món ngon ngày Tết với nhiều tinh bột, nhiều dầu, nhiều mỡ trên bàn tiệc. Theo dân gian, củ kiệu có vị đắng, có thể làm ấm bụng, khỏi đầy hơi.
5. Lạp xưởng
Theo quan niệm Á Đông, màu đỏ là màu tượng trưng cho sự may mắn. Lạp xưởng bên cạnh có màu đỏ, theo quan niệm của người Trung Hoa, lạp xưởng có kiểu dáng giống với một xâu bao tiền đỏ về mặt hình dáng nên được gọi là lạp xưởng thể hiện cho sự mong cầu một năm giàu sang, may mắn. Do đó lạp xưởng cũng trở thành một món đặc trưng trong món ngon ngày Tết.
Lạp xưởng có nguyên liệu chính là thịt sống cả mỡ cả nạc được xay nhuyễn hoặc thái mỏng. Sau đó người ta sẽ ướp tiêu, muối, tỏi, rượu, gia vị ướp xá xíu (đây là công thức riêng được pha chế theo tỉ lệ đặc trưng của từng vùng miền) vào trong thịt rồi gói thật chặt.
6. Chả lụa
Mặc dù mỗi vùng miền có cách làm khác nhau, nhưng đa số giò chả sẽ được làm từ thịt được giã mịn hòa chung với gia vị tùy ý, sau đó gói trong lớp lá chuối xanh mướt rồi đem luộc cho chín. Giò chả lụa ngày xưa là thức ăn được dâng lên cho vua chúa vào những dịp lễ lớn, là món ngon, của quý.
Nhờ sự gìn giữ, lưu truyền mà ngày nay, món chả lụa đã trở thành một món ăn dân dã, quen thuộc mà không kém phần sang trọng đãi khách. Giò chả thường có màu trắng, bề ngoài dung dị, tinh tế nhưng tượng trưng cho sự phú quý sang trọng, trong ấm ngoài êm.
7. Mứt dừa, mứt gừng, hạt dưa
Chẳng biết tự bao giờ, người Việt luôn có thói quen cứ vào dịp Tết nhà nào cũng phải có một hộp mứt. Trước là dâng cúng tổ tiên, sau đó sẽ dành cho các con cháu “thụ lộc”. Trong khay mứt tết phải đầy đủ các loại mứt khác nhau đủ màu sắc để cầu những điều tốt đẹp. Và trong số đó, mứt dừa, mứt dừng là không thể thiếu.
Một trong những ước mơ ngày Tết của người Việt là được quây quần, tề tựu sum vầy, hạnh phúc – đó cũng là ý nghĩa của món mứt dừa ngũ sắc. Mứt gừng lại mong ước về một cuộc sống gia đình đầm ấm, sung túc. Cả 2 món mứt với màu sắc sặc sỡ này luôn được ưu tiên xuất hiện trên khay mứt, thích hợp cho cả người già và trẻ nhỏ. Dùng cùng trà nóng, nước ngọt.
Hạt dưa với vỏ màu đỏ, cắn nghe vui tai chính là lý do nó xuất hiện trên khay mứt Tết. Người Việt Nam tin rằng, sắc đỏ của Hạt dưa tượng trưng cho sự may mắn, niềm vui và tài lộc trong những ngày đầu năm.